Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Sin-dô A-bê đã có cuộc Hội đàm cấp cao. Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây, hai bên quyết định nâng cấp Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản lên một tầm cao mới thành Quan hệ Đối tác Chiến lược Sâu rộng vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á. Quyết định này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Cả Việt Nam và Nhật Bản hiện là thành viên của ba Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương gồm: Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJFTA); Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang mở ra rất nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi phát triển đối với hoạt động giao thương giữa hai nước.
Hiện Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam:
- Là nước tài trợ ODA lớn nhất, với tổng giá trị vay cho đến 12/2019 là 2.578 tỷ Yen, tương đương khoảng 23,76 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ.
- Là nhà đầu tư lớn số 2, với tổng vốn đầu tư đạt 2,44 tỷ USD tính tới nửa đầu năm 2021 và tăng 66,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
- Là đối tác du lịch lớn thứ 3. Theo thống kê của Cơ quan Xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) và Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 10 năm qua, khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng liên tục, với mức tăng trưởng trung bình đạt 8 – 10%. Tổng lượng khách trao đổi 2 chiều giữa Nhật Bản và Việt Nam năm 2019 đạt 1.447.000 lượt người (tăng 18,9% so với 2018), khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 495.000 lượt người (tăng 27,3%), khách Nhật Bản đến Việt Nam đạt khoảng 952.000 lượt (tăng 15,2%). Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua.
- Là đối tác thương mại lớn thứ 4. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tám tháng đầu năm 2020 đạt 25,2 tỷ USD (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, nhập khẩu đạt 12,8 tỷ USD (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019), xuất khẩu đạt 12,5 tỷ USD (giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019).
Hiện nay, có hơn 2.500 doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có nhiều doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam và đang có kế hoạch mở rộng quy mô phát triển. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Nhật Bản tập trung đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng sạch, công nghiệp chế biến, công nghiệp điện tử, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao, logistics, hàng không, khách sạn cao cấp,...
Với mục đích kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, với mạng lưới doanh nghiệp đối tác rộng rãi, chúng tôi hỗ trợ kết nối, đồng thời tổ chức các hội thảo thương mại giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Đơn cử có thể kể đến sự thành công ngoài mong đợi của Hội chợ thương mại Việt Nhật Kizuna 2019, mở ra cơ hội giao thương đầy giá trị, giao lưu văn hóa ý nghĩa thông qua những hoạt động sôi nổi tại Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.
Ấn tượng trước những gì các doanh nghiệp Việt Nam mang đến trong khuôn khổ chương trình, các đối tác Nhật Bản đã có những hứa hẹn và hợp tác trong tương lai, cụ thể:
- Nhóm Lazy Snack và Công ty Administer mong được kết hợp với tập đoàn IMC để kết nối các chương trình sự kiện, kết hợp đưa các nghệ sĩ, ngôi sao Nhật Bản đến Việt Nam giao lưu và biểu diễn.
- Tập đoàn xây dựng Matsuda Cities mong được hợp tác với Công ty Tohoku Sông Đà để kết hợp chương trình chuyển giao nhân sự cao cấp phục vụ các công trình xây dựng của công ty tại Nhật Bản.
- Công ty TNHH Impact Investment Consultancy sẽ đến Nhật Bản để ký hợp đồng phát triển đầu tư tại Nhật Bản.
- Tập đoàn VN-ITC sẽ đầu tư khu công nghiệp cho các công xưởng Nhật Bản đến Việt Nam.
- Nhóm các Công ty thành viên và Nhà văn hóa Thanh niên sẽ cùng hợp tác với Kizuna – JVC để tổ chức Hội chợ thương mại Việt Nhật Kizuna định kỳ hàng năm với quy mô được hứa hẹn sẽ ngày càng hoành tráng.